Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Phòng ngừa tai nạn giao thông do rượu, bia


Say rượu, bia nằm trong nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng. Cho nên, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia vừa phát động đợt tuyên truyền và tổ chức tuần tra kiểm soát nhằm hạn chế vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Trong thực tế, đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT đau thương do "bia dẫn lối, rượu đưa đường". Khi có hơi men, người điều khiển phương tiện giao thông thường chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, tiếp theo là gây ức chế não bộ làm cho lái xe có thể ngủ gật.  Theo một kết quả nghiên cứu, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 đến 30%, ngoài ra rượu còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Người say rượu, bia dễ gây ra lỗi nguy hiểm, như chạy xe quá tốc độ quy định, tránh vượt ẩu, đi sai phần đường; hành vi của họ lại bất thường, khiến người tham gia giao thông chung quanh khó tránh... So với các quốc gia trong khu vực, nước ta có mức tiêu thụ rượu, bia vào loại lớn, chế tài và việc kiểm soát vi phạm quy định nồng độ cồn thiếu chặt chẽ, nên tai họa cũng như nguy cơ dẫn đến TNGT đều cao.
Tuy nhiên, uống rượu, bia là một thói quen lâu đời và hơn thế nữa là thú ẩm thực của số đông, việc thay đổi không dễ dàng. Hoạt động tuyên truyền, xử lý vi phạm an toàn giao thông liên quan đến rượu, bia không chỉ đòi hỏi thực hiện kiên quyết và triệt để, mà còn cần xây dựng chương trình, kế hoạch công phu mang tính dài hạn, kết hợp với nhiều biện pháp "mở" ngoài phạm vi giao thông. Nội dung và hình thức tuyên truyền không rập khuôn, phải đa dạng và phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, bao gồm cả việc in lời cảnh báo tác hại của rượu, bia trên bao bì sản phẩm giống như đối với thuốc lá. Cùng với áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn mới và mở rộng diện xử lý người vi phạm, phải hết sức coi trọng giải pháp phòng ngừa. Cụ thể là: Nên có quy định chung về việc cấm cán bộ, công chức uống rượu buổi trưa trong các ngày làm việc. Nhân rộng cách làm mang tính chất khế ước xã hội như các khu dân cư ký cam kết giảm khẩu phần rượu, bia khi tổ chức ma chay, cưới xin; từng nhà có "gia ước" sử dụng rượu, bia đúng mực, nhất là đối với nam giới. Ðối với người tham gia giao thông vốn có thói quen sử dụng rượu, bia phải tự giác chấp hành các nguyên tắc như: đã lái xe không uống rượu, bia; có hơi men không cầm vô-lăng ô-tô; lỡ say rượu, bia nhất quyết không điều khiển bất cứ phương tiện giao thông nào, để giữ an toàn cho mình và không gây tai họa cho người chung quanh...
Tất cả các giải pháp nói trên kết hợp với sự hưởng ứng của dư luận xã hội cố gắng tạo ra được chuyển biến tích cực, có ý nghĩa như bước khởi đầu đích thực trong quá trình thực hiện hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét